JOB STORY

COVID-19 VÀ SỰ ĐỘT PHÁ CỦA CÔNG NGHỆ

Cách mạng chuyển đổi số đã tạo ra nhiều phát minh ấn tượng giúp các doanh nghiệp cải tiến mô hình kinh doanh kể từ trước và sau khi đại dịch diễn ra.

Sự ảnh hưởng của Covid-19 đã được chứng minh có thể phá vỡ nhiều sáng kiến kinh doanh và những đột phá về công nghệ trong năm nay. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất từ Mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp KPMG cho biết, phần lớn (77%) các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ trên toàn cầu lạc quan rằng một số công nghệ tiềm năng như trợ lý kỹ thuật số (digital asistants), sinh trắc học (biometrics) và thực tế ảo (virtual reality) có thể giúp cải thiện mô hình kinh doanh và đạt được nhiều mục tiêu trong tương lai.

Năm nay là năm thứ 8 KPMG thực hiện “Technology Industry Innovation Survey” bao gồm các câu trả lời từ hơn 800 nhà lãnh đạo toàn cầu thuộc ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao từ 12 quốc gia. Bản khảo sát thể hiện sự quan tâm và đánh giá của các chuyên gia tập trung vào ba loại hình công nghệ sau:

Thực tế ảo

Do hậu quả của đại dịch, việc làm thế nào để tương tác và tăng trải nghiệm thực tế một lần nữa tập trung vào thực tế ảo. Cụ thể có 32% người trả lời rằng lợi ích hàng đầu của việc áp dụng thực tế ảo là cải thiện hiệu quả kinh doanh; 71% trong số những người được khảo sát đã tăng đầu tư vào phương thức này so với năm trước và đang kỳ vọng thu hồi tiền đầu tư tương đối nhanh trong vòng 3 năm kể từ khi rót vốn.

Tuy nhiên, lãnh đạo của các công ty công nghệ toàn cầu chỉ ra rằng thách thức lớn nhất trong việc áp dụng thực tế ảo vào mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp là “thiếu nguồn lực nhân lực”, chiếm 29% câu trả lời.

Trợ lý kỹ thuật số

Dựa trên số liệu của nhiều nghiên cứu và báo cáo chuyển đổi số, hiện những trợ lý tiên tiến này đã sẵn sàng đóng một vai trò không thể thiếu trong việc hỗ trợ con người làm việc bởi chúng là sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và máy học (ML)

Các doanh nhân công nghệ số đánh giá và xếp hạng chúng ngang bằng với IoT, blockchain, robotics,...để chuyển đổi hoạt động kinh doanh của công ty trong 3 năm kể từ năm nay.

Một tín hiệu nhỏ đáng mừng là 26% những người được khảo sát cho rằng trợ lý kỹ thuật số sẽ giúp tăng thị phần của doanh nghiệp.

“Nhìn vào thực tế mới do Covid-19 tạo ra, các doanh nghiệp có thể sử dụng trợ lý kỹ thuật số để mang tới trải nghiệm khác biệt cho khách hàng, giảm thiểu những đầu việc nhỏ, tỉ mỉ tốn thời gian mà thay vào đó, nhân sự sẽ tập trung vào những công việc đòi hỏi tính chiến lược và sáng tạo hiệu quả hơn”, ông Philip Ng, người đứng đầu bộ phần công nghệ và truyền thông của KPMG tại Trung Quốc chia sẻ.

Sinh trắc học

23% các lãnh đạo thực hành khảo sát cũng xếp hạng sinh trắc học vào danh sách những công nghệ đột phá có thể thay đổi, cải thiện tình hình kinh doanh của các công ty hoạt động chuyên về kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao trong 3 năm tới.

Nhờ vào đặc điểm vật lý nổi trội như nhận diện, phân tích dấu vân tay, cấu trúc khuôn mặt và bản đồ võng mạc để nhận dạng tự động, kiểm soát truy cập, bảo mật cơ sở dữ liệu,...mà sinh trắc học được đầu tư nhiều hơn 20% so với năm ngoái. Mặc dù, thách thức lớn nhất trong việc áp dụng công nghệ này theo trích dẫn từ câu trả lời của những người tham gia khảo sát là “cần thời gian/chi phí để đào tạo/nâng cao năng lực nhân viên”.

Có thể thấy, các công nghệ thực tế ảo, trợ lý kỹ thuật số và sinh trắc học sở hữu tiềm năng thay đổi doanh nghiệp theo hướng tích cực nhưng vẫn tồn tại không ít nhược điểm đáng lưu tâm. Vì vậy, việc quyết định chuyển đổi số như thế nào, loại hình công nghệ nào phù hợp đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới đều cần sự cân nhắc cẩn thận và tính chiến lược sáng suốt từ các nhà lãnh đạo. Sự phát triển của công nghệ cũng giống như con tàu cao tốc trên đường ray, luôn cải tiến để ngày một nhanh hơn, hiện đại hơn, đột phá hơn khiến người dùng ấn tượng; tất cả đều nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống con người và thích ứng với sự xê dịch của xã hội.

Source: https://www.agilitypr.com/pr-news/public-relations/covid-and-disruptive-technology-which-tech-types-will-be-key-for-redefined-transformation/